Thursday 24 February 2011

"Loan" thuoc uong lam dep

Số lượt xem: 188
Gửi lúc 11:30' 05/02/2010

"Loạn" thuốc uống làm đẹp

Nắm bắt được nhu cầu cần làm đẹp của quý bà, nhiều hãng thuốc tây, đông nam dược đã tung ra nhiều loại sản phẩm "uống để đẹp". Song chất lượng, hiệu quả, an toàn là điều hoàn toàn còn bỏ ngỏ.
Nắm bắt được nhu cầu cần làm đẹp của quý bà, nhiều hãng thuốc tây, đông nam dược đã tung ra nhiều loại sản phẩm "uống để đẹp". Song chất lượng, hiệu quả, an toàn là điều hoàn toàn còn bỏ ngỏ.

Từ thuốc làm đẹp da...

Có thể nói hiện nay trên thị trường đang bán tràn lan các loại thuốc uống làm đẹp da, mượt tóc, giảm béo, trị mụn, trị nám... Còn ở các thẩm mỹ viện và các hiệu thuốc, ít thì vài loại, nhiều lên đến hàng chục sản phẩm "cả Tây lẫn Tàu" được người bán dùng những mỹ từ để ca ngợi.

Chị Huỳnh Anh ở đường Mai Văn Vĩnh (Q.7, TP.HCM) kể: "Da mặt tôi xấu, lại nổi nhiều mụn. Nghe bạn bè "mách" có nhiều loại thuốc uống làm đẹp da rất công hiệu, tôi đã đến một hiệu thuốc trên đường Nguyễn Trãi (Q.5) hỏi mua. Người bán đưa ra loại thuốc có hiệu Anchangwan của Malaysia với giá 105.000 đồng/hộp kèm theo lời quảng cáo "uống ngày 2 - 3 viên sẽ hết mụn, lại đẹp da". Vài tuần sau khi uống, tôi cảm thấy da căng mịn và trắng hồng nên rất vui.

 

Nắm bắt được nhu cầu cần làm đẹp của quý bà, nhiều hãng thuốc tây, đông nam dược đã tung ra nhiều loại sản phẩm "uống để đẹp"

Thế nhưng, khi uống tiếp hộp thứ hai được vài ngày thì lưỡi bị tưa, mặt căng nặng đôi khi có cảm giác bị run tay chân. Không nghĩ là do thuốc gây ra nên tôi tiếp tục uống. Sau đó thì da mặt bắt đầu sạm, xuất hiện nhiều mụn nước đỏ li ti. Thấy nguy, tôi tìm đến bác sĩ da liễu và được biết có thể trong thuốc tôi uống có chứa chất corticoid. Muốn hết phải điều trị nhiều ngày, song chắc chắn mặt sẽ bị sẹo xấu...".

Thử tìm hiểu, ghé vào một cửa hàng thuốc chuyên kinh doanh thuốc đông y trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM), Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM), chúng tôi được người bạn giới thiệu đủ loại thuốc đẹp da như: Blooming có giá 2.200 đồng/viên; Medrol bán 2.500 đồng/viên; L-Cystine giá 1.600 đồng/viên; Aloes 1.200 đồng/viên; Keromax 2.400 đồng/viên... Hay thuốc trị mụn như Anchangwan 105.000 đồng/hộp; Kordel"s 180.000 đồng/hộp; Pimples chỉ 45.000 đồng/hộp...

Chị Lan Hạnh, nhân viên một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) "bật mí" do bắt được nhu cầu muốn đẹp da của nhiều chị em nên phần lớn các hãng thuốc đã "chuyển tông" quảng cáo mạnh về yếu tố này, nhất là với các loại thuốc thuộc nhóm hoạt chất L-Cystine (được định hướng là sử dụng cho da). Song, chỉ một loại hoạt chất này nhưng có đến hàng trăm tên thuốc khi có hoạt chất L-Cystine được người bán gắn cho công hiệu đẹp da. Ngoài ra, những loại thuốc trong thành phần có chứa lá lô hội cũng được "thổi phồng" lên theo hướng làm đẹp da. Thậm chí, những thuốc không liên quan gì đến da, nhưng lại có chứa một số vitamin (bổ tóc, bổ cơ), hoặc các loại thuốc lợi gan mật, trị táo bón cũng được đưa vào dạng thuốc làm đẹp da.

... đến thuốc giảm béo, tăng vòng ngực

Nắm bắt tâm lý phụ nữ nào cũng muốn có một thân hình thon thả và vóc dáng cân đối, nhiều thẩm mỹ viện, nhà thuốc rao bán các loại thuốc làm ốm được quảng cáo có xuất xứ từ Nhật, Pháp, Mỹ chiết xuất từ thảo dược được giới khoa học công nhận, có tác dụng làm ốm, đẹp da. Đặc biệt, những thuốc này không gây tiêu chảy, buồn nôn, không phản ứng phụ, không làm chán ăn...

 

Không biết rõ nguồn gốc và không có chỉ định của bác sĩ thì không nên tùy tiện dùng các loại thuốc làm đẹp

Ở Việt Nam, hiện có khoảng 100 nhãn hiệu thuốc giảm cân đang lưu hành. Tại các hiệu thuốc, hàng chục loại thuốc giảm cân luôn có sẵn trên quầy như: Linavina, Perfex, Hydrotrim, Body Burn, Slimone, Orlistat, Sibutramin... với giá bán "thượng vàng hạ cám" tùy theo độ "hút" của thị trường. Theo TS.DS. Nguyễn Hữu Đức, có thể chia thuốc giảm cân thành 3 loại chính: loại thuốc làm no đầy ống tiêu hóa, loại thuốc làm chuyển hóa các chất béo trong cơ thể và loại thuốc làm chán ăn. Thế nhưng, một người đang bán thuốc cho một cửa hàng trên đường 3/2 (TP.HCM) cho biết, khi có người hỏi mua, người bán không còn biết loại nào phù hợp, loại nào không mà chỉ quan tâm đến "chiết khấu hoa hồng" từ nhà sản xuất. Ngay cả những thuốc bị Cục quản lý Dược VN rút số đăng ký biệt dược gây chán ăn Adifax (Flenfluramine) và Pondéral (Dexfenluramine) do nhà sản xuất thừa nhận thuốc có một số biến chứng về tim mạch trầm trọng cũng được bán. Ngoài ra, còn có một số chế phẩm gọi là trà giảm cân cũng được bán rộng rãi.

Bên cạnh thuốc giảm cân, các loại thuốc nở ngực cũng được bày bán tràn lan. Chỉ cần đến một thẩm mỹ viện nào hỏi mua thuốc uống nở ngực là có ngay, thậm chí chọ còn giao tận nhà. Cụ thể, Placenta X-A và Placenta X-B, Cleavage Plus... có giá bán khoảng 60-80 USD/chai với quảng cáo "Uống một hộp là nở rồi, nhưng nở bao nhiêu còn tùy vào thể trạng từng khách hàng. Có người hợp, nở rất to"(?). Phần lớn loại thuốc này là hàng "xách tay" nên trên hộp thuốc, không có số visa nhập khẩu. Đồng thời, thành phần chỉ là một số vitamin, khoáng tố và chất xơ... còn công dụng không hề nói gì đến chuyện nở ngực.

Hiệu quả đến đâu?

TS.DS. Nguyễn Hữu Đức cho biết: "Trước những thông tin quảng cáo trên người tiêu dùng cần tỉnh táo, không nên tự ý mua sử dụng. Nếu muốn có làn da đẹp, tốt nhất là nên có một chết độ ăn uống, nghỉ ngơi và vận động hợp lý. Trường hợp có mụn, nám, nếu nặng (liên quan đến các yếu tố nội tiết) hoặc số lượng mụn nhiều (sưng, đỏ, đau) thì nên đi khám bác sĩ để được xác định tình trạng viêm nhiễm. Tuyệt đối không nên sử dụng lại toa thuốc cũ của bạn bè hoặc của chính mình trong những lần điều trị trước.

Còn ý kiến của TS.BS. Vũ Thị Nhung - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, ngực to hay nhỏ là do cấu tạo tuyến mỡ trong vú và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nội tiết tố. Bộ ngực phát triển là do hoạt động phối hợp, cân bằng của nội tiết tố nữ estrogen và progesterone. Muốn cải thiện bộ ngực phải dựa trên những yếu tố thể tạng, nội tiết tố, dinh dưỡng, thể dục thể hình mà tập luyện. Còn với bất cứ phương pháp nào được quảng cáo là làm nở ngực mà không có cơ sở khoa học, không rõ nguồn gốc, không phải do bác sĩ chuyên khoa chỉ định thì đều không đảm bảo an toàn.

Riêng về vấn đề giảm cân bằng thuốc, TS.BS. Đào Thị Yến Phi - giảng viên Đại học y Phạm Ngọc Thạch, đặt nó ở vị trí cuối cùng. Các loại thuốc có tác dụng làm giảm cân nhanh thường không làm mất đi khối mỡ (khối cần giảm) mà làm mất đi khối nước (khối không cần giảm, thậm chí là không được giảm) và cũng có những chống chỉ định, tác dụng phụ. Trong đó nguy hiểm nhất là loại thuốc gây chán ăn. Những người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp và bệnh tăng nhãn áp tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc này vì có thể bị suy tim, mù mắt... Như vậy, cách tốt nhất để giảm cân là điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và năng vận động. So với việc sử dụng các loai thuốc uống, phương pháp này giảm cân ít và chậm nhưng an toàn.

Tác giả: Theo TGTD
Nguồn tin: bacsi.com

Bản gốc: Sức khỏe số - "Loạn" thuốc uống làm đẹp

No comments:

Post a Comment